Tiêu chuẩn và hướng dẫn BIM sẽ giúp các bên tham gia dự án có cái nhìn chung nhằm hợp tác tốt hơn, làm việc đồng bộ hơn. Cùng tìm hiểu về tiêu chuẩn, hướng dẫn BIM đang hiện hành tại Việt Nam trong bài viết dưới đây.

Tiêu chuẩn và hướng dẫn BIM của một số nước trên thế giới

Trên thế giới tồn tại nhiều tiêu chuẩn, hướng dẫn và các file để trao đổi và quản lý cơ sở dữ liệu BIM.

Nhìn chung thì các tiêu chuẩn và hướng dẫn BIM trên thế giới được chia thành 4 phần chủ yếu:

  • PEP – Project Execution Plan: Kế hoạch triển khai dự án
  • MM – Modeling Methodology: Phương pháp mô hình hóa
  • LODs – Levels of Detail: Mức độ chi tiết
  • P&O: Cách thể hiện cấu kiện và tổ chức cơ sở dữ liệu

Năm 2015 tại Mỹ, nhiều tổ chức khác nhau thuộc nhà nước đã ban hành ra 47 hướng dẫn, tiêu chuẩn BIM để có thể triển khai quy trình BIM một cách hiệu quả. Trong đó có các cơ quan chính phủ ban hành 17, các tổ chức phi lợi nhuận ban hành 30:

  • Cục quản lý dịch vụ công (GSA) dự kiến ban hành 8 hướng dẫn BIM độc lập, đã ban hành 6 hướng dẫn từ 2007 – 2011 và 2 phần còn lại đang được lấy ý kiến.
  • Viện khoa học quốc gia về công trình dân dụng (NIBS): đã ban hành 2 phiên bản tiêu chuẩn BIM và chuẩn bị ban hành tiếp phiên bản thứ 3.
  • Viện Kiến trúc Hoa Kỳ, Hiệp hội nhà thầu (AGC), các trường Đại học, các Bang hoặc thành phố cũng ban hành. Trong đó hướng dẫn và tiêu chuẩn BIM của trường Đại học bang Pennsylvania và Hiệp hội nhà thầu là có thông tin đầy đủ.

Châu Âu có khoảng 34 hướng dẫn và tiêu chuẩn BIM:

  • Vương quốc Anh ban hành 18 bộ bởi các tổ chức như: Hội đồng ngành xây dựng (CIC), Nhóm nhiệm vụ BIM (BIM Task Group), Viện tiêu chuẩn Anh (BSI), Hội đồng AEC-UK,…
  • Na Uy ban hành 6 bộ bởi Statsbygg, cơ quan chính phủ và Hiệp hội xây dựng Na Uy.
  • Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển cũng ban hành các bộ hướng dẫn và tiêu chuẩn áp dụng BIM để thực hiện mô hình BIM hiệu quả. Đặc biệt tại Phần lan, ngoài hướng dẫn áp dụng mô hình BIM cho công trình dân dụng còn có các hướng dẫn BIM cho công trình cầu và hạ tầng kỹ thuật.
  • Các tiêu chuẩn và hướng dẫn BIM tại châu Âu đều thiếu thông tin về kế hoạch triển khai dự án (PEP) và mức độ chi tiết (LODs). Đặc biệt có hướng dẫn BIM protocol của AEC – UK có thông tin của 4 phần đầy đủ.

Tại Châu Á đang có 35 tiêu chuẩn và hướng dẫn BIM. Trong đó:

  • Singapore đã ban hành 12 bộ bởi Cơ quan quản lý xây dựng Singapore (BCA)
  • Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan cũng ban hành các tiêu chuẩn. Cũng giống như các nước châu Âu thì các hướng dẫn và tiêu chuẩn tại châu Á đều thiếu hai phần là kế hoạch triển khai (PEP) và mức độ chi tiết (LODs).

Có thể thấy trên toàn thế giới hay tại các nước đã ứng dụng BIM trong dự án đã ban hành nhiều hướng dẫn và tiêu chuẩn BIM để phục vụ cho nhu cầu đặc thù ngành xây dựng. Tuy nhiên cũng cần phải có các tiêu chuẩn và hướng dẫn chung cho một khu vực hoặc toàn cầu để mang lại lợi ích tốt hơn cho cộng đồng BIM.

Tiêu chuẩn và hướng dẫn BIM tại Việt Nam

Tiêu chuẩn BIM

Mô hình BIM đại diện cho quy trình làm việc đổi mới trong ngành xây dựng có sự hỗ trợ của công nghệ. Quy trình có nhiều loại khác nhau tùy vào các đơn vị thực hiện, loại hình dự án, tổ chức hay các quốc gia mà mức độ áp dụng BIM sẽ khác nhau.

Vì sự đa dạng này mà làm nhiều người mới tìm hiểu về mô hình BIM hay muốn thực hiện quy trình BIM cảm thấy bối rối và không có góc nhìn chúng. Chính vì vậy mà các tiêu chuẩn BIM đã được xây dựng.

Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đã phát triển tiêu chuẩn ISO – 19650 để hỗ trợ cho quá trình áp dụng BIM trên phạm vi toàn cầu với các quy trình chung, mục tiêu chung là các bên tham gia trong dự dự án để cộng tác làm việc hiệu quả hơn.

Hiện tại đã có hai phiên bản của tiêu chuẩn quốc tế ISO 19650 là:

  • BS EN ISO 19650 – 1: Tổ chức thông tin về các công trình xây dựng – Quản lý thông tin bằng cách sử dụng mô hình thông tin tòa nhà – Phần 1: các khái niệm và nguyên tắc.
  • BS EN ISO 19650 – 2: Tổ chức thông tin về công trình xây dựng – Quản lý thông tin bằng cách sử dụng mô hình thông tin tòa nhà – Phần 2: Giai đoạn bàn giao tài sản.

Hướng dẫn thực hiện BIM tại Việt Nam

Ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có tiêu chuẩn và hướng dẫn BIM cụ thể mà chúng ta chỉ thực hiện hướng dẫn chung áp dụng cho mô hình BIM (thay thế cho hướng dẫn tạm thời áp dụng mô hình BIM trong giai đoạn thí điểm).

Nội dung chính của hướng dẫn BIM tạm thời đang phác thảo một cách tổng quát nhất về sản phẩm, quy trình và các nội dung cơ bản để có thể triển khai mô hình BIM trong giai đoạn thí điểm. Còn hướng dẫn chung thì cần phải cập nhật, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến trình tự áp dụng BIM trong dự án đầu tư xây dựng, hướng dẫn chọn nội dung áp dụng BIM, môi trường dữ liệu chung, các yêu cầu trong quá trình tạo lập mô hình BIM và những biểu mẫu hồ sơ Yêu cầu về thông tin trao đổi (EIR) và kế hoạch thực hiện BIM (BEP).

Những nội dung chính trong hướng dẫn chung để áp dụng mô hình BIM như sau:

Phần 1: Hướng dẫn chung

  • Áp dụng mô hình BIM trong quá trình xây dựng
  • Tiến trình tổng quát khi triển khai áp dụng quy trình BIM
  • Chủ thể tham gia quá trình thực hiện BIM trong dự án.
  • Lựa chọn các nội dung áp dụng BIM

Phần 2: Chuẩn bị áp dụng BIM

  • Tiến trình chuẩn bị áp dụng mô hình BIM
  • Thực hiện hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu
  • Xây dựng kế hoạch thực hiện quy trình BIM
  • Chi phí áp dụng mô hình BIM

Phần 3: Thực hiện áp dụng BIM

  • Tiến trình thực hiện áp dụng BIM
  • Môi trường dữ liệu chung
  • Công tác chuẩn bị cho nhóm dự án
  • Tạo lập mô hình BIM
  • Kiểm tra và nghiệm thu mô hình
  • Lưu trữ mô hình BIM và đánh giá kết quả.

Ngoài các nội dung hướng dẫn chung cho quy trình thực hiện BIM thì còn có các hướng dẫn chi tiết áp dụng BIM cho công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật cho ban chỉ đạo BIM biên soạn.

Bài viết trên đã chia sẻ một số thông tin về tiêu chuẩn và hướng dẫn BIM hiện hành hiện nay. Để tìm hiểu thêm về các hướng dẫn, tiêu chuẩn BIM bạn có thể tìm đọc thêm các tài liệu được nhà nước ban hành hoặc theo dõi BIM Center nhé.